Nơi chia sẻ đam mê CAD-CAM-CNC với góc nhìn cá nhân

30 tháng 4, 2017

Thần Kỳ Trung Quốc - Con Đường Phát Triển đáng suy ngẫm .


Made in China , một cụm từ lâu nay đồng nghĩa với sự kém chất lượng . Thế nhưng cụm từ này sẽ không còn mang ý nghĩa như thế nữa trong tương lai gần . Dù muốn hay không chúng ta cũng phải đồng ý rằng Trung Quốc đang vươn lên trở thành một quốc gia nắm giữ những công nghệ hàng đầu thế giới .

Mới đây , một báo cáo của Hàn Quốc đã nêu ra rằng trong 24 ngành công nghiệp quan trọng , trung bình Hàn Quốc chỉ còn dẫn trước Trung Quốc về mặt công nghệ trong .... 0.9 năm phát triển , trong đó 22 ngành công nghiệp của đất nước kim chi gần như tương đương với Trung Quốc , chỉ có 2 ngành là bán dẫn và sản xuất màn hình là còn dẫn trước nhưng sẽ sớm thôi Trung Quốc sẽ vượt qua Hàn Quốc trong khoảng thời gian được tính bằng tháng . ( số liệu lấy từ tháng 3/2017)

Hay một ví dụ khác , Trung Quốc đang sản xuất máy bay chở khách của riêng họ mang tên C919 để cạnh tranh với 2 hãng hàng không Boeing và Airbus trong 10 năm tới . Cần phải nói thêm là với trường hợp của máy bay Airbus , cả Châu Âu hợp lại để chế tạo nên 1 chiếc máy bay . Trong đó có những quốc gia rất mạnh về cơ khi nổi tiếng như Đức . Thế mới thấy tham vọng tột bậc của Trung Quốc là như thế nào với dự án C919 của họ .

Ngành sản xuất của Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới .

Tất cả bắt đầu từ Đăng Tiểu Bình . Ở Trung Quốc người lập quốc là Mao Trạch Đông nhưng người đã đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc như hiện nay chính là Đặng Tiểu Bình , một quái kiệt thật sự với một tầm nhìn vượt thời đại , nói về tầm cỡ ông ta không hề thua kém Lý Quang Diệu của Singapore . năm 1978 , Lý Quang Diệu đã đưa ra một lời khuyên cho ông Đặng đừng nên tiếp tục cổ vũ cho làn sóng vô sản đang lan khắp ĐNÁ nữa , điều đó không có lợi ích rõ ràng nào cho Trung Quốc mà chỉ làm sự căng thẳng giữ các nước phương tây đối với TQ ngày càng sâu nặng thêm , hãy tập trung vào nội bộ của TQ . Đặng Tiểu Bình đã nghe theo lời của Lý Quang Diệu và thậm chí ông ta còn làm nhiều hơn thế nữa .

Thẩm Quyến được xây dựng từ một làng chài
với nhiệm vụ ban đầu là sao chép công nghệ từ Hong Kong


Quay về nước , Đặng Tiểu Bình đã đi thị sát miền Nam Trung Quốc , ông đứng giữa một làng chài hoang sơ tiếp giáp với Hong Kong mang tên là Thẩm Quyến và nói với các quan chức Thẩm Quyến rằng : Hãy học hỏi Singapore và làm tốt hơn cả họ . Vị trí địa lý và sự hấp dẫn thương mại đã giúp Thẩm Quyến học được cách mà ngành sản xuất của Hong Kong hoạt động , những công nghệ sản xuất mà Hong Kong đang nắm giữ nhất là ngành sản xuất nhựa , hiện tại Thẩm Quyến được xem là công xưởng sản xuất của cả thế giới .

40 năm phát triển thần kỳ của Trung Quốc kể từ ngày họ cải cách nền kinh tế . Bí quyết của họ là tập trung toàn lực vào lĩnh vực sản xuất và phát triển đất nước bằng xuất khẩu , y hệt như con đường phát triển của Nhật Bản ở thập niên 70 . Vấn đề còn lại là quy mô của TQ quá lớn so với Nhật Bản nên họ cần phải khoảng thời gian dài hơn rất nhiều để phát triển ở trình độ tương đương . Thế nhưng họ lại may mắn , rất may mắn khi hưởng lợi từ 2 yếu tố then chốt của thời cuộc : Khủng hoảng kinh tế thế giới Toàn cầu hóa .

Toàn cầu hóa đã giúp Mỹ và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn  như 2 mặt của một đồng xu . Trung Quốc hiểu rõ nước Mỹ luôn chạy theo lợi ích nên đã sử dụng nguồn nhân lực giá rẻ mạc ở quốc gia họ cùng với hàng loạt ưu đãi cho doanh nghiệp nước ngoài để thu hút đầu tư từ đất nước cờ hoa . Cái Trung Quốc lấy lại là công nghệ tiên tiến từ Mỹ .

Năm 2000 Trung Quốc tham gia WTO ,  Mỹ biết Trung Quốc chắc chắn sẽ sao chép công nghệ như cách mà họ đã làm với Hong Kong nên trước năm 2006 Mỹ đầu tư vào Trung Quốc một cách dè dặt và cẩn trọng , giai đoạn tổng thống Bush cầm quyền Trung Quốc vẫn chưa được xem là công xưởng của thế giới . Nhưng một biến cố đã xảy ra và thay đổi tất cả đó chính là cuộc khủng hoảng kinh tế nổ ra tại Mỹ vào năm 2008 . Chính cuộc khủng hoảng này đã đẩy tốc độ phát triển về công nghệ của Trung Quốc chạy nhanh thêm vài thập kỷ .

" Công Xưởng Thế Giới " đã giúp Trung Quốc phát triển thần kỳ

Khủng hoảng kinh tế mà ngòi nổ là cuộc khủng hoảng bong bóng nhà đất đã làm Mỹ thấm đòn , hàng loạt các ngân hàng của Mỹ đổ quỵ trong năm 2008 thậm chí đó là những ngân hàng đã tồn tại hàng trăm năm , ngành sản xuất của Mỹ lâm vào cảnh thiếu tiền để phát triển , họ đứng trước nguy cơ bế tắc về nguồn vốn và điều này có thể dẫn đến sự phá sản hàng loạt của nền công nghiệp Mỹ nếu họ không kịp thời tìm ra một lối thoát . Thế là trong cơn nguy kịch đó , họ nhìn thấy Trung Quốc như một cứu cánh tạm thời cho họ . Đầu tư tại Trung Quốc nghĩa là họ giảm được hàng loạt các chi phí đắt đỏ tại Mỹ , hưởng lợi từ chính sách thu hút đầu tư thông thoáng của Trung Quốc , có thể dễ dàng vay vốn từ ngân hàng Trung Quốc hơn và cũng là cơ hội tuyệt vời để mở rộng thị trường tại đất nước tỷ dân . Tất cả những điều này đã che mờ đi một mối nguy hại : Trung Quốc chắc chắn sẽ sao chép những tiến bộ khoa học công nghệ từ Mỹ .

Một làn sòng ồ ạt đầu tư vào Trung Quốc mở đầu với các ông lớn của Mỹ , Trung Quốc hưởng lợi tuyệt đối từ động thái này , cả Châu Âu theo gót Mỹ dời nhà máy của mình qua Trung Quốc để hưởng hàng loạt ưu đãi và lợi thế . Đã thế trong thời kỳ nắm quyền của Obama , ông ta phải cố gắng dìu dắt nước Mỹ thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế nên đã thúc đẩy mạnh toàn cầu hóa thế giới , công khai ủng hộ việc các công ty công nghệ lớn nhất quốc gia mang chuông đi đánh xứ người , đương nhiên điều này sẽ giúp các công ty Mỹ thoát khỏi khủng hoảng nhưng nó cũng giúp Trung Quốc phát triển vũ bão trong 8 năm ông ta cầm quyền , làm chênh lệch thương mại giữa Mỹ và Trung hằng năm lên đến hàng trăm USD , điều này vô hình chung làm Trung Quốc như hổ mọc thêm cánh , Trung Quốc chính thức trở thành công xưởng thế giới và lạ kỳ thay chính người Mỹ là những người tiêu dùng hàng hóa của Trung Quốc nhiều nhất , bởi vì chính quyền Obama đã tung ra các gói kích cầu cả tỷ đô để đẩy mạnh lượng cầu tại Mỹ qua đó đưa nước Mỹ sớm thoát khỏi vòng khủng hoảng .

Thêm vào đó , từ thời Nixon là tổng thống , Bảng vị vàng đã bị xóa bỏ . điều này có nghĩa rằng tổng giá trị tiền mặt của một quốc gia không còn được đo bằng lượng vàng mà quốc gia đó nắm giữ . Lợi dung điều này , Trung Quốc đã thao túng lượng tiền mặt của đồng Nhân Dân Tệ để nó luôn thấp hơn đồng đô la Mỹ cho dù quy mô của nền kinh tế Trung Quốc có phình to ra như thế nào đi nữa . Đồng nhân dân tệ luôn thấp hơn đồng đô la Mỹ , nghĩa là 1 đồng đô la Mỹ có thể mua nhiều hàng hoá từ Trung Quốc hơn là hàng hoá sản xuất từ Mỹ , điều này rõ ràng là một chiêu bài hỗ trợ xuất khẩu của chính quyền Trung Quốc đối với các doanh nghiệp của họ .

Trung Quốc duy trì chính sách Đồng Nhân Dân Tệ yếu
nhằm hỗ trợ xuất khẩu

Năm 2014 , 14 năm sau ngày đầu tiên TQ tham gia WTO , GDP danh nghĩa của họ đã lần đầu vượt qua Mỹ nhưng sau đó đã mau chóng lùi xuống hạng 2 , một hồi chuông cảnh tỉnh nước Mỹ với chính sách toàn cầu hóa cực đoan của mình . Nhưng quan trọng hơn , dù có thích hay không thì cả thế giới cũng đang chứng kiến Trung Quốc đang viết nên một câu chuyện thần kỳ của riêng họ , một câu chuyện thần kỳ không kém câu chuyện thần kỳ kinh tế của Nhật Bản và Nước Đức đã viết nên ở thế kỷ trước .

Nhìn sang Việt Nam , các nhà đầu tư thấy một đất nước nhỏ bé hơn nhiều và được lựa chọn đầu tư như một phương án thay thế Trung Quốc để giảm bớt rủi ro hay còn gọi là chiến lược Trung Quốc +1 . Điều này cũng giúp Việt Nam phát triển nhanh chóng trong 10 năm trở lại đây , nhưng thật sự thì chúng ta đã bỏ qua khá nhiều cơ hội phát triển trước đó .

Đầu tiên là thời gian gia nhập WTO , chúng ta đã có thể gia nhập WTO vào năm 2000 nhưng lúc đó Trung Quốc cũng đang ký kết xin gia nhập WTO nên các nhà lãnh đạo của Việt Nam đã chọn một con đường an toàn hơn : đi sau Trung Quốc . Sau khi một quốc gia hơn 1 tỷ dân gia nhập vào WTO , đương nhiên Trung Quốc phải tự điều chỉnh để phù hợp với WTO nhưng chính WTO đã phải tự điều chỉnh rất nhiều để phù hợp hơn với Trung Quốc . Điều này làm thay đổi hàng loạt các tiêu chuẩn gia nhập cho những nước phía sau Trung Quốc bao gồm có Việt Nam , mà phần lớn các sự thay đổi này đều khắc khe hơn . Chúng ta mất một khoảng thời gian khá lâu sau đó để tự điều chỉnh và cuối cùng phải đến năm 2007 thì chúng ta mới đủ tiêu chuẩn gia nhập WTO , 7 năm trễ mất những cơ hội quý giá .


Hiệp Định TPP đã thất bại nặng nề

Nếu chúng ta nhanh nhạy hơn , biết nắm bắt cơ hội như Trung Quốc đã làm , thì Việt Nam cũng sẽ không đến nỗi đi sau thế giới nhiều đến như vậy . Những tập đoàn như Samsung đầu tư vào Việt Nam khá trễ khoảng giữa năm 2014 ( tức là sau 7 năm chúng ta gia nhập WTO , đúng bằng khoảng thời gian Trung Quốc gia nhập vào WTO cho đến lúc khủng hoảng kinh tế xảy ra ) . Có lẽ các nhà Lãnh đạo Việt Nam ý thức hơn nên sau WTO , họ đã thúc đẩy hàng loạt các hiệp định quan hệ song phương với các nước trên thế giới .

Đỉnh điểm là việc chúng ta tham dự hiệp định đối tác xuyên thái bình dương TPP mà người khởi xướng là Mỹ , nếu hiệp định này thành công VN sẽ hưởng nhiều ưu đãi nhất trong tất cả các quốc gia thành viên , nhưng có lẽ hiệp định đó đã thất bại nặng nề khi Donald Trump lên nắm quyền .

Nói như thế cũng không có nghĩa rằng chúng ta đánh mất hết cơ hội vươn lên .Bài học của các nước đã và đang vươn mình lên vẫn còn đó , chúng ta chỉ cần lựa chọn đúng con đường và cố gắng phần đấu , Hiện tại Việt Nam nên đầu tư phát triển nhiều vào sản xuất chứ không phải là bất động sản , chính ngành sản xuất sẽ thay da đổi thịt cho Việt Nam bằng con đường xuất khẩu , những tòa nhà chọc trời không khẳng định rằng Việt Nam đang giàu mạnh mà chỉ có chất lượng trong từng sản phẩm mới thể hiện Việt Nam đang đứng ở đâu trên bảng đồ thế giới .


Trương Trung Hiếu
Share:

Phương Pháp Gia Công Bằng Xung Điện Định Hình .

Trước giờ , chúng ta đã quen với khái niệm dao cắt kim loại . Thường thì những con dao này sẽ được chế tạo từ vật liệu rắn , có độ cứng vượt trội hơn so với chi tiết gia công nhưng thật ra vẫn còn những loại dao cắt mà bản thân chúng không phải chất rắn như chúng ta thường nghĩ đến . Vd như tia cắt kim loại bằng nước , bằng tia lửa điện , bằng xung điện định hình ...

Trong khuôn khổ bài viết này , chúng tôi sẽ đề cập đến phương pháp gia công bằng xung điện định hình ( EDM - Electrical Discharge Machining ) .

Khởi nguồn cho phương pháp gia công này được phát hiện bởi một nhà khoa học người Anh ở thế kỷ thứ 18 , thời kỳ mà ngành khoa học về điện đang là trung tâm của mọi cuộc nghiên cứu . Ông ta phát hiện rằng vật liệu kim loại sẽ bị bắn phá bằng sự phóng điện giữa 2 đầu điện cực . Rõ ràng đây là một phát kiến khoa học mang tính chất quan trọng vì thời điểm ấy ngành gia công trên thế giới còn rất yếu , nhu cầu gia công các vật liệu chống ăn mòn bởi hóa chất và ma sát tăng cao nhưng chính vì chúng là vật liệu chống ăn mòn nên việc gia công chúng trở nên khó khăn và đắt đỏ vô cùng . Đáng buồn là thời kỳ ấy ông không có đủ cơ sở máy móc và thiết bị để kiểm soát sự ăn mòn kim loại một cách chính xác , thế là ông đành gác lại phát kiến của mình và mong chờ thế hệ sau sẽ hoàn thành nó .
Joseph Priestley phát hiện ra kim loại bị bắn phá bởi tia điện
Đến năm 1943 , 2 nhà khoa học người Nga là  BR. Butinzky và NI. Lazarenko được giao nhiệm vụ nghiên cứu về khả năng chống sói mòn của 2 đầu điện cực Volfram khi phóng điện nhưng họ đã thất bại trong việc ngăn ngừa sự sói mòn ấy . Thú vị thay , trong quá trình nghiên cứu thì họ lại phát hiện ra rằng mặc dù họ không thể ngăn chặn sự sói mòn của 2 đầu cực nhưng họ có thể kiểm soát nó một cách chính xác . Thế là một máy EDM ra đời , chuyên gia công các vật liệu khó tính như Volfram , chiếc máy EDM đầu tiên trên thế giới mang tên Lazarenkos .

Tiếp nối sau đó hàng loại phương pháp gia công bằng xung điện đã ra đời trên khắp thế giới . hiện nay , khi mà ngành gia công đã phát triển rất mạnh mẽ , công nghệ EDM vẫn chiếm được một chổ đứng trong toàn bộ bức tranh của ngành cơ khí thời hiện đại với 2 lĩnh vực chính :

                           + gia công tia lửa điện bằng điện cực định hình
                           + gia công 
cắt dây bằng 
tia lửa điện
Nguyên Lý Hoạt Động :


Trong quá trình nghiên cứu người ta nhận thấy cực dương sẽ bị ăn mòn vì electron từ cực âm bắn phá qua cực dương . Vấn đề là nếu cực âm mang hình thù như thế nào thì cực dương sẽ bị ăn mòn như thế ấy . Vì thế trong gia công EDM người ta dùng cực âm là một cực có hình thù chuẩn xác , cực dương nối vào chi tiết và khi quá trình phóng điện xảy ra chi tiết sẽ bị ăn mòn theo đúng hình dạng mà chúng ta đã định sẵn cho chúng .

Khi cấp điện cho mạch , tụ điện sẽ dự trữ 1 nguồn năng lượng đủ lớn để tạo ra một tia lửa điện đủ để ăn mòn vật liệu. Thời điểm 2 cực âm dương gần như chạm nhau ( một khoảng cách đủ nhỏ để electron từ cực âm có thể phóng thẳng qua cực dương ) thì mạch điện sẽ bị ngắn mạch , toàn bộ lượng điện năng trong tụ sẽ ào ạt phóng ra ngoài tạo thành những tia lửa điện . Quá trình này xảy ra trong khoảng thời gian cực ngắn chỉ vài phần ngàn giây . Lực va chạm của tia lửa điện rất mạnh đánh bật phoi ra ngoài .

Vì 2 cực không chạm nhau mà chỉ tiến tới 1 khoảng cách đủ gần để tia lửa điện xuất hiện nên môi trường nằm giữa chúng phải là một môi trường điện môi phù hợp . Người ta thường dùng 1 dung dịch  đặc thù để thúc đẩy quá trình phóng điện xảy ra tốt hơn .



Hình ảnh trên thấy rõ điện cực âm là dao , chi tiết gắn với điện cực dương
và một chất lỏng đặc thù dùng để thúc đấy quá trình phóng điện

EDM có những bất lợi là phải gia công điện cực âm , quá trình ăn mòn điện cho ra một bề mặt không có độ bóng như phay tiện hay bào , trên bề mặt gia công còn bị cháy xém vì vậy sau khi gia công chúng ta lại phải đánh bóng chúng lại . Thuận lợi là thời gian gia công tương đối nhanh , vì chỉ cần bắn tia lửa điện sau một khoản thời gian là cả 1 bề mặt bên cực dương sẽ được gia công một cách đồng loạt . Thêm vào đó khi dùng EDM cho các lỗ - hốc sâu , gia công các ren trong lỗ thì sẽ thuận lợi hơn so với các phương pháp gia công khác vì thay vì phải tiện lổ trực tiếp , chúng ta chỉ cần tiện trụ đơn giản cho cực âm . Với các ưu điểm như vậy gia công EDM sẽ vẫn là một phương pháp gia công quan trọng trong ngành cơ khí hiện nay .




Trương Trung Hiếu

Share:

Giới Thiệu Công Nghệ Scan 3D .


Công Nghệ Scan 3D hay còn gọi là Scan laser là một công nghệ đo tiên tiến trên thế giới : đo không tiếp xúc bằng ánh sáng laser . Hiện nay có khá nhiều hãng đã sản xuất ra nhiều loại máy Scan 3D với tần số laser khác nhau , phần mềm và phần cứng của máy Scan khác nhau , độ chính xác khi quét và mật độ điểm ảnh khác nhau nhưng nguyên lý hoạt động của chúng thì gần như giống hệt .
Hình ảnh minh họa Scan 3D

Ánh Sáng Laser được phát ra từ nguồn sáng , va chạm vào bề mặt vật thể và phản xạ trở lại đầu thu . Lúc này các tia laser phản xạ sẽ được thu lại và được đo đạc khoảng cách cũng như so sánh các góc lệch với nhau . Sản phẩm của công việc Scan 3D này là một tập hợp các đám mây điểm chồng lên nhau tầng tầng lớp lớp để khái quát nên hình thù của bề mặt vật thể .

Các công nghệ đo truyền thống tỏ ra kém hiệu quả khi chúng đối mặt các chi tiết có hình thù quá phức tạp . Thực tế cuộc sống vẫn có những bề mặt vật thể rất phức tạp cần được đo đạc chính xác , như việc làm hình sáp một cầu thủ nổi tiếng hay dựng nên một mô hình của hàm răng , khung xương con người theo kích thước hình dạng thực để nghiên cứu trong y khoa ...
Một file scan 3D với các bề mặt cực kỳ phức tạp


Trong công nghệ này , chất lượng của máy Scan là điều then chốt . Những máy Scan không có đầu thu ánh sáng tốt thường cho ra 1 đám mây điểm không chính xác về cả hình thù lẫn kích thước . Điều này xảy ra là do ánh sáng không thể quay về đầu thu nếu bề mặt của chi tiết Scan quá phức tạp hoặc bề mặt chi tiết phản xạ ánh sáng kém . Để làm giảm tình trạng này người ta phải hỗ trợ cho máy Scan bằng cách sơn 1 lớp sơn lên bề mặt chi tiết để tăng sự phản xạ ánh sáng .




Mật độ điểm trong đám mây là yếu tố quyết định độ chính xác bề mặt của chi tiết
nhìn lên hình ta thấy rõ hình ảnh có 45000 điểm ảnh là chính xác nhất

Mật độ của đám mây cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến độ chính xác của chi tiết . Các điểm ảnh sau khi được xử lý bằng phần mềm chuyên dụng sẽ tạo thành những đa giác ( Polygon) nối liền nhau như kiểu lưới để khái quát nên bề mặt chi tiết . Điều quan trọng là các đa giác này sẽ rất to nếu như mật độ điểm ảnh mà đầu thu của máy Scan thu được quá thưa thớt , dẫn đến hình ảnh khái quát nên chi tiết kém chính xác hơn vật thể bên ngoài rất nhiều vì các bề mặt cong thực trên chi tiết bị thay thế bằng các bề mặt phẳng của hình đa giác .

Điều này cũng tương tự như hình ảnh trên tivi sẽ kém chất lượng hơn hình ảnh thật khá nhiều nếu độ phân giải màn hình bị điều chỉnh thấp xuống  bởi vì hình ảnh thật được lắp ghép từ nhiều ô vuông nhỏ , nếu kích cỡ ô vuông càng nhỏ thì đường nét vật thể trên tivi sẽ càng mịn và nét .


Hiện nay công nghệ Scan 3D được áp dụng kết hợp với 2 công nghệ Thiết kế ngược và In 3D , riêng đối với thiết kế ngược thì Scan 3D là một quy trình bắt buộc không thể tách rời . Hai công nghệ phía sau thực chất cũng là những công nghệ tiên tiến trên thế giới và đang dần ảnh hưởng sâu rộng đến các ngành sản xuất trên thế giới . Các bạn có thể tìm hiểu thêm về công nghệ In 3D Tại đây


Trương Trung Hiếu 
Share:

29 tháng 4, 2017

Trí Tuệ Nhật Bản - Không bao giờ sa thải nhân viên .


Tôi từng nói chuyện với một người em học cùng trường , hiện nay đã làm cho một công ty Nhật Bản . Tuy chẳng có gì đặc biệt khi tôi nghe nó kể về cách mà công ty Nhật ấy hoạt động nhưng mà có một thông tin mà tôi rất chú ý : Người Nhật chả đuổi nhân viên bao giờ .

Thoạt nhiên nghe thấy điều này tôi nghĩ nó thật vô lý . Kiểu làm việc như thế có khác nào bao cấp ? nếu một nhân viên không bao giờ sợ mình bị đuổi thì sẽ chẳng bao giờ cố gắng , điều này vô tình làm triệt tiêu nguồn phấn đấu của cá nhân . Nhưng tôi đã lầm . Cực kỳ sai lầm khi tôi đọc qua một cuốn sách về 3 nhân vật xuất chúng của đất nước mặt trời mọc : Honda , Matsushita và Inamori.


Bộ 3 xuất chúng của Nhật Bản
Lần lượt từ trái sang là những người sáng lập nên những công ty vang bóng một thời : Panasonic ( tên ở Nhật là Matsushita ) , Honda và Kyocera . Những cái tên được cả thẩy người dân Nhật kính trọng , những cái tên đi liền với những năm tháng phát triển thần kỳ của xứ sở Hoa Anh Đào .

Chuyện kể về họ và những đóng góp của họ thì vô cùng vô tận , nhưng trong khuôn khổ bài viết này chỉ kể về một trong những đóng góp của họ cho triết lý kinh doanh của Nhật Bản :  không đuổi dù chỉ một nhân viên .

Mọi chuyện khởi đầu từ Matsushita , ông nổi tiếng với những triết lý kinh doanh của mình như triết lý con đập nước ( tức là giống như 1 con đập nước mùa lũ thì xả nước hết cỡ mùa khô thì tích nước, một công ty phải quyết định khi nào sử dụng tiền và luôn luôn phải gối đầu 20% tổng số tiền dự tính - cũng giống như con đập bao giờ cũng phải chừa một ít nước lại trong hồ ) .

Công ty của ông hoạt động trong những năm tháng mà Nhật Hoàng quyết định nước Nhật sẽ tham gia Thế Chiến thứ II . Cũng cùng thời điểm đó làn sóng Cách Mạng Cộng Sản đang nở rộ khắp Châu Á . Nước Nhật đương nhiên cũng nằm trong vùng bị ảnh hưởng , nhiều người Nhật đình công liên tục , số lượng lên đến cả vạn người , công ty của ông cũng đình công và công đoàn là những người tổ chức các cuộc đình công ấy .

Ông khi đó giữ một chức vụ tương đương với trưởng phòng nghiên cứu vật liệu trong công xưởng , chính ông là người đã huy động những người dưới quyền hạn của ông không tham gia đình công . Việc này đã bị công đoàn chú ý và liệt ông vào danh sách những người chống đối . Ông thậm chí còn chả quan tâm , điều duy nhất ông quan tâm là Công ty sẽ lâm vào tình trạng khốn đốn nếu như bộ phận của ông không hoàn thành công việc . Ông cho rằng công ty chả bốc lột gì ông cả vì ông tự nguyện làm việc hơn 10 tiếng mỗi ngày , những người theo ông cũng không cảm thấy bị bốc lột , họ làm việc nhiều vì họ thích thế , công đoàn không thể làm gì khác ngoài việc để yên cho ông ta làm việc . Nhưng họ cũng rất kính nể người đàn ông thép này sau trường hợp đó .

Những năm tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh , Nhật Hoàng ban bố lệnh kiểm soát nguồn nguyên liệu vì đây là thời chiến , việc này tạo nên một cuộc khủng hoảng nguồn nguyên liệu trong vài năm ở Nhật , công ty của ông lâm vào bờ vực sụp đổ vì Nhật Bản hầu như phải nhập khẩu tất cả các nguyên liệu từ bên ngoài nhưng giờ nguồn nguyên liệu đó phải ưu tiên cho quân đội và chính phủ , thêm vào đó do người dân mất việc làm , thất nghiệp tràn lan nên họ hầu như không có tiền để mua sắm , hàng tồn kho của công ty ông ta vì thế cũng sắp chạm nóc . Công ty ông ta đứng trước một bài toán hoặc là sa thải phân nửa số công nhân viên hoặc là công ty sụp đổ . Với vai trò mới hiện nay là một CEO của công ty , Ông đã lựa chọn con đường thứ 3  : không sa thải một nhân viên nào cả .

Theo lý luận của ông việc đào tạo một nhân viên là hết sức tốn kém , nên thật lãng phí khi chúng ta đào tạo hàng vạn nhân viên rồi và giờ lại sa thải họ , thế thì khác nào ném tiền ra ngoài đường , tình hình hiện nay nếu để họ thất nghiệp thì xã hội sẽ có thêm hàng ngàn người không có tiền , điều này sẽ làm cho nền kinh tế rối tung cả lên , làm tổng lượng cầu trong nước suy giảm hơn nữa và công ty lại sẽ tồn kho dài dài . Thay vì cắt số lượng công nhân , ông cắt thời gian làm việc của mỗi người giờ chỉ còn một nửa so với ban đầu . mỗi công nhân viên giờ chỉ đi làm nửa ngày , nhưng như thế cũng vẫn còn quá dư thừa vì công ty hiện đã giảm lượng sản xuất khá nhiều , thế nên ông ta lại điều họ qua làm những công việc lặt vặt như nhổ cỏ , tu sửa nhà xưởng - máy móc , phân những người có kinh nghiệm chuyên môn dạy học cho những công nhân non kinh nghiệm , thậm chí là đào tạo họ đi bán hàng để giải quyết hàng tồn kho ...  nhưng tất cả bọn họ chỉ cần làm nửa ngày công mà thôi .


Matsushiata đã quyết định cùng nhân viên của mình vượt qua sóng gió
chứ không sa thải họ để bảo vệ lợi ích của công ty


Thật đáng kinh ngạc , những công nhân của ông ta tuy được công ty cho làm nửa ngày rồi về nhưng không một ai ra về , đó là sự tự tôn của dân tộc Nhật Bản . Họ làm việc bất chấp ngày đêm để cải thiện tình hình công ty trong cơn khủng hoảng , dù chỉ lãnh phân nửa số lương cho 1 ngày làm việc . Họ biết ơn ngài giám đốc vì đã cưu mang họ trong tình thế mà hễ ra đường là gặp người mất việc , những gia đình khác thậm chí còn không có cái ăn ( vì ở Nhật Bản trong gia đình chỉ có người chồng đi làm ) . Matsushita đã nói với nhân viên của mình rằng : ông sẽ không sa thải bất kỳ 1 ai , cái ăn cái mặc của họ sẽ được công ty đảm bảo , vị trí của họ sẽ không bị mất đi , hãy cùng ông vượt qua cơn khủng hoảng nguyên liệu này .

Vài năm sau thì cơn khủng hoảng cũng đã qua , công ty ông là một trong những công ty hiếm hoi không phải cắt giảm 1 công nhân nào mà vẫn tồn tại được , đã thế sau cơn khủng hoảng thường là thời kỳ kinh tế phát triển mạnh mẽ trở lại , công ty ông có đủ nguồn nhân lực để vươn lên thống lĩnh thị trường . Những người công nhân những năm sau đó được tăng tiền thưởng lên để bù đắp lại những năm tháng mà công ty ông đã cắt giảm lương của họ . Mọi thứ đều tốt đẹp đơn giản vì ông đã áp dụng triết lý : không đuổi nhân viên của mình .

Thế nhưng một tình huống khác đã góp phần làm cho triết lý này của ông ta vang danh khắp Nhật Bản và trở thành một quy luật bất thành văn của các công ty vừa và nhỏ sau này . Sau năm 1945 ,  Nhật Hoàng thua cuộc trong thế chiến thứ II , nước Nhật đổ quỵ trước 2 trái bom nguyên tử của Mỹ , Người Mỹ lập 1 chính phủ thân với họ lên cầm quyền Nhật Bản , Matsushita bị liệt vào danh sách những người ủng hộ quân phiệt vì trong chiến tranh công ty ông ta có sản xuất máy bay chiến đấu cho quân Nhật Hoàng ( nhưng thật ra là công ty của ông ta vẫn chưa chế tạo được chiếc máy bay nào mà chỉ nhận dự án từ Hoàng gia Nhật Bản trong những năm cuối cùng của Thế chiến ).


Nhật Bản thua cuộc sau 2 trái bom nguyên tử của Mỹ 


Ông bị xếp vào hạng mục A - tức là bị buộc phải từ chức ngay lập tức . Nghe thấy thông tin này ông như chết lặng , nhưng lần này chính ông cũng không ngờ rằng mình thoát án một cách vô cùng thần kỳ . Hàng vạn người lao động của công ty đã ký lên một bản đề nghị xem xét lại quyết định buộc vị giám đốc mà họ vô cùng kính trọng phải từ chức . Đảng cầm quyền mới thành lập vô cùng bất ngờ với tình huống này , thậm chí chính công đoàn của công ty cũng đứng ra bảo vệ cho ông ta . Họ đã ghi lại chi tiết những gì ông ta đã làm , những cống hiến của ông , ông ta đã bảo vệ người lao động như thế nào trong chiến tranh và khủng hoảng , những lần ông bị buộc phải phục vụ cho quân đội ... Thế là ông được chuyển về mục B : xem xét từ chức và cuối cùng là nằm ngoài danh sách truy cứu trách nhiệm tội phạm chiến tranh .

Từ sau đó , với tài năng của mình , Matsushita cũng góp phần đưa nước Nhật sánh vai với các cường quốc trên thế giới khi công ty Panasonic ( tên thương hiệu của công ty ông ) tung hoành trên đất Mỹ với những sản phẩm điện tử chất lượng nhất thời bấy giờ , người ta gọi ông là vị thần kinh doanh của Nhật Bản , các triết lý của ông được lật giở lại , được nghiên cứu và  được làm theo . Sau đó , việc các công ty Nhật không bao giờ sa thải nhân viên của họ được áp dụng rộng rãi khắp cả nước theo như triết lý của Matsushita . Thậm chí tư duy này cũng được mang theo ra ngoài biên giới  của Nhật Bản , áp dụng với những nhân viên không phải là người Nhật .

Thật đơn giản và dễ hiểu : Nước Nhật là quốc gia không có tài nguyên thiên nhiên , đối với họ tài nguyên con người là thứ giá trị nhất , nếu họ lãng phí loại tài nguyên này có lẽ họ sẽ không còn là một nước Nhật hùng cường được nữa .

Trương Trung Hiếu     
Share:

14 tháng 4, 2017

Sơ Lược Về Dụng Cụ Cắt Kim Loại .


Trong ngành gia công kim loại , một dụng cụ cắt ( dao cắt ) được sử dụng để loại bỏ vật liệu ( phoi) khỏi phôi bằng phương pháp bóc tách kim loại là cực kỳ quan trọng . Những vật liệu khác nhau đôi khi đòi hỏi phải được gia công bằng những con dao khác nhau . Trên lý thuyết thì dụng cụ cắt chỉ cần cứng hơn vật liệu chúng ta dự định sẽ gia công thì đều có thể sử dụng được , thế nhưng với những vật liệu như Nhôm nếu chúng ta dùng dao phay sắt thép sẽ dẫn đến hiện tượng lẹo dao xuất hiện với một tần suất cao hơn hẳn so với chính con dao đó khi cắt thép .




dao cắt nhôm                            dao cắt Inox

Một dụng cụ cắt có thể có một hoặc nhiều lưỡi cắt . Dụng cụ có một lưỡi cắt thường được sử dụng trong các nguyên công quay , nguyên công tạo hình , bào và các hoạt động tương tự . Loại dao này loại bỏ vật liệu khỏi chi tiết bằng một cạnh cắt. Các dụng cụ như khoan và phay thường là dụng cụ cắt nhiều lưỡi. Dụng cụ mài cũng là một trường hợp có nhiều lưỡi cắt ( cắt đa điểm ) . Mỗi một hạt vật liệu trên đá mài có chức năng mài mòn như là một điểm cắt cực nhỏ .




Các hạt nhỏ ly ti trên đá mài cũng được xem là các lưỡi cắt

Dụng cụ cắt phải được làm bằng vật liệu cứng hơn vật liệu bị cắt và công cụ phải chịu được nhiệt được tạo ra trong quá trình cắt gọt kim loại. Ngoài ra, công cụ phải có một dạng hình học cụ thể, với góc độ được thiết kế sao cho cạnh cắt có thể tiếp xúc với phôi mà không làm phần còn lại của công cụ va chạm vào bề mặt vừa gia công xong . Góc mặt cắt cũng quan trọng, như độ rộng , số răng và kích thước lưỡi dao ... rất nhiều yếu tố để tạo ra một con dao . nhưng nhìn chung 1 con dao cần phải đáp ứng các yếu tố sau : + Độ cứng : phải đủ độ cứng để không bị biến dạng trong quá trình cắt

+ Độ bền cơ học : là khả năng không bị phá hủy khi chịu áp lực rất lớn trong quá trình cắt
+ Độ bền nhiệt : nhiệt sinh ra trong quá trình cắt là khá lớn có thể làm giảm cơ tính của dao
+ Độ bền mài mòn : vì ma sát trong quá trình cắt gọt là cực lớn .

Vật liệu làm dao



các mảnh carbide dùng để gắn vào cán dao

Dụng cụ cắt thường được chế tạo từ các vật liệu sau đây :


+ Thép gió 

+ Thép cacbon dụng cụ
+ Thép hợp kim dụng cụ

+ Hợp kim cứng
+ Gốm ( Ceramic )
+ Vật liệu Siêu cứng ( CTM )
+ Kim cương nhân tạo ( thường được dùng cho khoan )


Lưu ý : Một con dao bao gồm phần đuôi dao không tham gia quá trình cắt gọt kim loại và phần lưỡi cắt thì tham gia trực tiếp vào quá trình cắt gọt , vì vậy luôn luôn phần lưỡi cắt sẽ là bộ phận bị mài mòn trên con dao . Thế nên có những con dao người ta chia 2 bộ phận này tách biệt ra , nhất là những con dao có nhiều lưỡi tham gia quá trình cắt gọt , khi phần lưỡi cắt có dấu hiệu mòn người ta sẽ tháo chúng ra và thay một lưỡi cắt mới . Ví Dụ như dao phay mặt đầu gồm có phần cán dao bằng thép và phần lưỡi cắt thì có thể gắn các mãnh carbide . Hoặc Mũi khoan sử dụng đầu khoan bằng kim cương cũng tương tự như thế .


Tổng hợp
Share:

13 tháng 4, 2017

Công Nghệ In 3D - Loài Người Chạm Ngưỡng Của Các Vị Thần .


Phá vỡ chân trời giới hạn của con người :

Máy in 3D sinh học có thể in được động mạch cho một quả tim .
Hãy tưởng tượng một ngày nào đó , khi bạn đi làm về mệt mỏi , bạn về nhà và tiến đến một chiếc máy in 3D thay vì tủ lạnh , lấy ra chiếc bánh pizza thơm phức từ trong đó và chén sạch nó một cách ngon lành , quan trọng hơn là chiếc pizza đó đã được hoàn thành trong thời gian bạn đi xe từ công ty về nhà . Hay một ý tưởng khác , một con ốc vít đặc biệt trên tàu vũ trụ được phát hiện là bị hư hỏng và trên phi thuyền đó thì lại không có con ốc nào có thể thay thế nó được , thế thì chắc chúng ta phải phóng thêm 1 tàu vũ trụ nữa vào không gian để tiếp tế con ốc vít đó rồi . Đúng không nhỉ ? Không ! chúng ta chỉ cần in nó ra ngay trên tàu vũ trụ mà thôi. Hay thậm chí một bức họa đã được vẽ từ cả trăm năm trước , bỗng dưng nó bị hủy hoại nghiêm trọng vì một lý do nào đó , máy in 3D sẽ giúp các nhà họa sĩ phục hồi lại bức tranh đáng giá đó nếu bảo tàng còn giữ lại những tài liệu cần thiết cho việc phục hồi nguyên bản cho bức tranh khi sự cố xảy ra .

Những sự việc nghe có vẽ ảo tưởng đó ngày càng được hiện thực hóa bởi công nghệ in 3D đang phát triển rất mạnh hiện nay . Nó mạnh đến nổi người ta đã bắt đầu in được các tế bào của con người , các máy in đó được gọi là máy in 3d sinh học ( hay bioprinter ) , chúng đặt ra một kỳ vọng khổng lồ về việc các nội tạng trong cơ thể người trong tương lai có thể sản xuất từ ... buồng in của một chiếc máy . Nghe lạ lùng quá nhỉ ! Điều này chẳng khác nào thẳng thừng khẳng định : có chiếc máy in 3d trong tay , Loài người gần như chạm ngưỡng sáng tạo của các vị thần .


Công Nghệ In 3D là gì ?

Công Nghệ In 3D ( hay còn gọi là công nghệ tạo mẫu nhanh ) là việc đắp các lớp vật liệu chồng lên nhau trong không gian 3 chiều một cách chính xác , quá trình in ấn ra sản phẩm 3d được quản lý hoàn toàn bởi máy tính .

Trái ngược với công nghệ gia công truyền thống dùng việc bóc tách các lớp vật liệu ra khỏi chi tiết , do đặc thù của công việc này là dụng cụ cắt phải tránh chạm vào chi tiết đang gia công nên điều này làm giới hạn không ít đến khả năng sản xuất ra một sản phẩm nếu sản phẩm đó có hình thù quá khó . Công nghệ in 3D sử dụng phương thức đắp các lớp vật liệu lên nhau và vì thế chúng không cần phải bận tâm về việc đầu phun chạm vào chi tiết trong quá trình làm việc vì cơ bản in 3D không có cái gọi là Phoi mà chỉ có chiếc máy và chi tiết mà thôi . Điều này dẫn đến việc máy in 3D hoàn toàn có thể tạo ra được sản phẩm mà công nghệ gia công truyền thống ... bó tay chịu trói .

Một sản phẩm có cấu trúc cực kỳ phức tạp mà công nghệ gia công truyền thống gần như không thể tạo ra được



Hiện nay công nghệ này thật sự rất đa dạng , chúng đa dạng về vật liệu in ( socola , vật liệu xây dựng , chất dẻo , nhựa đường , tế bào , chất rắn , chất lỏng , vật liệu dạng bột - bụi ...) , đa dạng về kích thước ( đã có máy in 3D  có thể in nhà cửa ở Trung Quốc và cũng có máy in 3D in ra một chiếc xe với kích thước của vi khuẩn ) , đa dạng về phương thức in ( bẳng lazer , đầu phun , dụng cụ cắt , in từ trên xuống dưới , in từ dưới lên trên ...)

Một sản phẩm in 3d có kích thước của vi khuẩn .

Mặc dù công nghệ in 3D tiên tiến đến thế nhưng bản thân nó hiện giờ cũng có những khuyết điểm:

- Thời gian tạo ra 1 chi tiết khá lâu nên máy in 3D không thể sản xuất hàng loạt một chi tiết và vì vậy giá thành của mỗi chi tiết được tạo ra khá đắt so với chính chi tiết đó nhưng được sản xuất hàng loạt bằng các phương pháp truyền thống .

- Đối với một số vật liệu đặc biệt , các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra cách thức hợp lý để đắp chúng lại với nhau và trong đó có một loại vật liệu được xem là thiếu sót trầm trọng của công nghệ này : kim loại . Về cơ bản , một khối chi tiết bằng kim loại không thể đáp ứng độ bền nếu như nó được đắp nhiều lớp chồng lên nhau ,  chi tiết đó chỉ đơn giản là một tập hợp của hàng vạn hàng triệu lớp kim loại xếp chồng lên nhau chứ không phải một khối kim loại thống nhất như được tạo ra bằng phương pháp đúc truyền thống . Các nhà nghiên cứu đã và đang tạo ra các phiên bản máy in 3d kim loại khác nhau với các cách thức hoạt động khác nhau nhưng nhìn chung vẫn chưa có phương án nào khả thi .

- Sự chính xác không đi cùng độ bóng bề mặt . in 3d có thể sẽ rất chính xác nếu chúng ta có một phương pháp in hợp lý và một đầu phun đủ nhỏ . Thế nhưng bề mặt ấy lại không thể đáp ứng yêu cầu độ bóng và độ nhấp nhô bề mặt tốt như các phương pháp gia công truyền thống đã làm . công nghệ in 3D hiểu đơn giản là việc xếp chồng những khối Lego hình vuông lại với nhau , các phương pháp truyền thống có một vũ khí mà máy in 3D không có đó là lực nén khi dụng cụ cắt hớt đi lớp vật liệu thừa và nén lớp kim loại bên dưới tạo nên 1 bề mặt láng bóng sau khi đi qua .

Các chi tiết km loại được in từ máy in 3D

Tuy nhiên cùng sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ , bản thân mình tin rằng các khuyết điểm trên sẽ dần dần lùi vào dĩ vãng , mở ra một tương lai tươi sáng cho loài người . Nơi mà con người có thể cầm nắm những ý tưởng điên rồ nhất của mình trong lòng bàn tay . 


Trương Trung Hiếu

Share:

Ngành Cơ Khí - Đi Tắt Để Đón Đầu ?



" Đi Tắt Đón Đầu " 
Chúng ta từ lâu đã nghe cụm từ này rất nhiều lần , rất mỹ miều - hoa lệ . Và vấn đề đi tắt đón đầu chưa bao giờ nguội lạnh khi nó mãi là chủ đề mà người ta đem ra bàn luận , mổ xẻ . Người thì nói rằng chúng ta hoàn toàn có thể , người thì nói rằng không . Giới học thuật tin rằng chúng ta có thể đi tắt đón đầu , còn những người tiếp xúc trực tiếp với ngành cơ khí hàng ngày hàng giờ thì tỏ ra thờ ơ với khẩu hiệu này .Thế thì chúng ta nên nghe theo ai ?


Ngành Cơ Khí liệu có thể đi tắt đón đầu ?

Thật sự thì câu nói " đi tắt đón đầu " không phải chỉ là dành riêng cho ngành cơ khí mà nó mang hàm ý chung cho tất cả các ngành nghề . Hãy nhìn qua ngành công nghệ thông tin ( CNTT) , chúng ta sẽ giật mình khi thấy họ đã và đang " đi tắt đón đầu " thật . 20 năm kể từ ngày đầu tiên chúng ta kết nối Internet với thế giới , ngành CNTT có bước tiến vượt bậc , biến Việt Nam thành một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất về CNTT trên thế giới .

Nhưng ngành Cơ Khí của chúng ta , với bề dày phát triển lâu hơn hẳn ngành CNTT  , hiện tại lại không tìm thấy được chổ đứng của mình ngay trên sân nhà , các dự án lớn có vẻ như đều rơi vào tay của các tập đoàn nước ngoài , chúng ta cứ loay hoay mãi với cuộc chiến giành thị phần ngay tại sân nhà và tệ hơn những sản phẩm cơ khí MADE IN VIET NAM không có chút ấn tượng nào trên trường quốc tế , rõ ràng năng lực cạnh tranh của ngành cơ khí của chúng ta quá yếu. Tại sao lại như thế ? Có phải chúng ta sẽ mãi mãi theo đuôi các nước khác , mãi mãi không thể đi tắt đón đầu , cam chịu số phận của một quốc gia gia công hay không ?!?

Tôi sẽ kể 2 câu chuyện mà tôi nghĩ rằng nó phần nào sẽ là lời giải đáp cho vấn đề trên :

Câu chuyện 1 : liên quan đến ngành công nghiệp hỗ trợ .


Mấy năm nay dấy lên những bài báo kiểu như " Việt Nam không thể sản xuất nổi con ốc vít mà Sam Sung yêu cầu " . Đương nhiên điều này là sai , chúng ta hoàn toàn có thể sản xuất ra con ốc vít đúng tiêu chuẩn nhưng bài toán giá thành sản xuất thì chúng ta vẫn chưa giải được . Những bài báo kiểu đó đã kéo một làn sóng dư luận khổng lồ nhắm mũi giáo vào thẳng ngành cơ khí nước nhà . Những trí giả trong nước lại lo lắng ngành cơ khí nước ta sớm muộn cũng nằm trong tay của các tập đoàn nước ngoài nếu chúng ta cứ làm mãi kiếp gia công như thế này , trong thời điểm đó một bài toán khác được một vị CEO của một công ty nào đó đưa ra rằng chúng ta phải làm hơn 160 chiếc giày Nike mới có đủ tiền mua một chiếc càng làm tình hình thêm nặng nề . Áp lực về việc " đi tắt đón đầu " mà các doanh nghiệp VN gặp phải hiện đang căng thẳng hơn bao giờ hết .


Ngành công nghiệp hỗ trợ trong đó có cơ khí vẫn bị đánh giá là " không làm nổi con ốc vít "

Với bản thân tôi thì tôi lại nghĩ : Kiếp gia công thì sao ?

Cũng liên quan đến vấn đề gia công ( làm thuê ) cho nước nước ngoài nhưng trực quan hơn đó chính là câu chuyện giữa Asus và Dell : Thương hiệu Mỹ , gia công tại Trung Quốc .

Khi Asus vẫn còn chìm trong bóng tối , Dell cùng chiếc Laptop của mình đã làm mưa làm gió khắp thế giới . Asus sau đó nhận gia công , cung cấp một số thiết bị rất đơn giản cho Dell như cái tụ điện hay một vài con IC trên bảng mạch ... nói chung là chả ai biết đến Asus ở thời điểm đó và nếu có biết thì Asus cũng chỉ là một công ty nhỏ bé gia công cho gã khổng lồ đến từ Mỹ . Sau đó họ gia tăng số % các thiết bị mà họ có thể cung cấp cho một máy tính của hãng Dell trong những năm kế tiếp , Dell rất sẵn lòng vì họ sẽ cắt giảm được khá nhiều chi phí nếu những linh kiện phụ như tản nhiệt , vỏ máy ... được một nhà thầu Trung Quốc sản xuất ra ( do chi phí nhân công ở TQ thấp hơn rất nhiều so với ở Mỹ ) . Dell chỉ tập trung sản xuất ra những thiết bị chính của một chiếc lap top như thanh Ram , màn hình laptop , board mạch điện tử ...

Asus đã chiếm được lòng tin của Dell khi họ ngày càng làm tốt khâu cung cấp linh kiện của mình cho Dell ròng rã hơn 10 năm trời . Vâng , đúng vậy , họ làm kiếp gia công ròng rã trong cả một thập kỷ mà không hề phàn nàn gì cả , họ làm giàu cho gã khổng lồ đến từ thung lũng Silicon từng phút từng giây với tư thế của một người làm thuê , Dell ăn nên làm ra vì chi phí sản xuất của họ thì ngày càng giảm trong khi thương hiệu Dell trên toàn cầu ngày càng tăng giá . Một ngày kia , người đại diện của Asus đến gặp Dell và đưa ra một yêu cầu nghe rất hấp dẫn : chúng tôi sẽ sản xuất những linh kiện để làm ra một board mạch máy tính của bên anh , các anh sẽ tiết kiệm được khoảng 20% chi phí hiện tại để sản xuất ra một board mạch tại Mỹ , việc duy nhất các anh cần làm là dồn sức cho việc phát triển thương hiệu của mình , sau đó nhận những chiếc máy tính từ Trung Quốc về và đóng chữ Dell vào rồi bán ra thị trường .
Asus đã khởi đầu bằng các linh kiện điện tử rất nhỏ

Điều đó có nghĩa là Dell sẽ tiết giảm được hàng ngàn nhân công ngay lập tức , không chịu bất kỳ một rủi ro trong sản xuất nào , trút bỏ được gánh nặng quản lý các nhà máy của họ tại Mỹ và tiết kiệm được hàng núi tiền chi phí sản xuất - mua sắm công nghệ mới cho các nhà máy đó . Một lời đề nghị quá hời . Dell đã gật đầu ngay lập tức trước đề nghị trên . Thực tế họ không nghĩ rằng Asus có thể tạo ra một thương hiệu mà có thể cạnh tranh sòng phẳng với thương hiệu mà họ đã gầy dựng bấy lâu nay trong tình huống Asus có kế hoạch riêng , nhưng họ đã nhầm . Ngày mà Asus hóa rồng đã sắp đến .

Vài năm sau Asus quay trở lại Mỹ , họ không đến Dell để nói về việc gia tăng con số phần trăm các linh kiện mà họ sản xuất cho Dell nữa , họ đến các nhà phân phối ở đất nước cờ hoa và bảo với những nhà phân phối này rằng họ sẽ cung cấp ra thị trường một sản phẩm có chất lượng tương đương với Dell nhưng giá thành rẻ hơn nhiều mà cụ thể là 20% . Những năm tháng chấp nhận làm " culi " cho gã khổng lồ đến từ Mỹ đã mang về quả ngọt cho một công ty khởi đầu chỉ với vài cái tụ điện và vài con IC đơn giản . Liệu rằng nếu Asus có một chủ trương " đi tắt đón đầu " trong trường hợp này thì liệu họ sẽ có được ngày hôm nay không ?


Câu chuyện thứ 2 : Chúng ta có cần một thương hiệu xe hơi MADE IN VIETNAM ?

Chắc mọi người còn nhớ thương hiệu Vinaxuki , người đứng đầu thương hiệu này là một doanh nhân rất có tâm huyết với cơ khí Việt Nam , ngài chủ tịch Xuân Kiên . Ngài ấy mong muốn rằng mình sẽ đặt nền móng cho một nền công nghiệp xe hơi của nước nhà , mà thực tế là công ty Vinaxuki đã rất thành công trong phân khúc xe tải nhỏ . Nhưng rồi nó cũng không thể vượt qua được sóng gió , quỵ ngã trong sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường xe hơi . Những hình ảnh cuối cùng của chiếc xe hơi Made in VN đã làm tôi nao lòng và suy nghĩ rất nhiều. Có vẽ như ngài ấy đã quá gấp gáp , muốn đi tắt đón đầu trong khi khả năng của mình vẫn còn chưa tới . Ngài ấy đã tạo ra chiếc xe đầu tiên ở VN nhưng không thể nào bán được vì với giá đó người Việt sẽ mua một chiếc xe của hãng xe khác có chất lượng tốt hơn hẳn Vinaxuki .

Mẫu xe con của Vinaxuki nhanh chóng lụi tàn
Nhìn qua Trường Hải , ngài chủ tịch Trường Hải - Trần Bá Dương có một cái nhìn rất khác với tầm nhìn của Vinaxuki . Ngài ấy khẳng định sẽ không làm một chiếc xe ô tô Việt Nam mà chỉ trung thành với kiếp gia công như hiện tại . Nghe có vẻ lạ lùng nhưng chiến lược này lại làm cho Trường Hải ngày càng vững gốc .

Ngài Trần Bá Dương không hề muốn tạo ra một chiếc xe Made in VN  để rồi giá cả chi phí của chiếc xe bị đôn lên trời . Cái ngài ấy theo đuổi là số % mà Trường Hải có thể " Việt Hóa " trong một chiếc xe mang thương hiệu nước ngoài . Một bước đi hết sức phù hợp với tình hình của Việt Nam hiện nay . Theo lời ngài chủ tịch , Trường Hải hiện có thể sản xuất được đến 60% các chi tiết làm ra một chiếc xe mang thương hiệu nước ngoài lắp ráp ở VN , và kế hoạch trong tương lai của ông ta là đẩy con số này lên cao hơn nữa để chào đón năm 2018 đầy thử thách sắp đến .

Năm 2018 thuế nhập khẩu giữa các nước trong cộng đồng Asian sẽ chính thức được đưa dần về 0% trong đó có mặt hàng xe hơi . Việc này gây một áp lực khá lớn lên Trường Hải khi mà hàng loạt các hàng rào hải quan được dở xuống . Nếu không khéo , các thương hiệu xe của nước ngoài đang lắp ráp tại Việt Nam sẽ lũ lượt kéo nhau qua Thái Lan , nơi mà họ hưởng có được một nền công nghiệp phụ trợ đủ lớn để giúp các thương hiệu xe của họ gia tăng lợi nhuận trên từng chiếc xe mà họ sản xuất ra . Vì vậy mục tiêu của Trường Hải là trong thời gian ngắn ngủi này phải Việt hóa càng nhiều chi tiết và phụ tùng cho các hãng xe nước ngoài để giành giật thị phần với người Thái .
Ngài chủ tịch Trường Hải Thaco không muốn
sản xuất xe thương hiệu Việt
Tương Lai của Trường Hải đặt ra rất sáng sủa và thực tế . nó rất khác với tham vọng của Vinaxuki một thời . Giờ hãy tưởng tượng nếu Vinaxuki lại được các ngân hàng bơm tiền để tồn tại và tiếp tục nuôi giấc mơ ô tô Việt Nam thì liệu nó có vượt qua được cơn sóng thần mang tên hội nhập quốc tế sẽ ập đến vào năm 2018 hay không ? chắc chắn là không .

Mình nghĩ rằng mọi người đã có câu trả lời cho việc trong ngành cơ khí của chúng ta liệu có nên đi tắt đón đầu hay tiếp tục làm kiếp gia công và kiên nhẫn chờ thời , Chúng ta sẽ đi tắt đón đầu khi chúng ta có nền tảng vững chắc bên dưới . Một nền tảng mà các nước phương tây đã chuẩn bị từ cả một thế kỷ trước để có được .

Quay lại bài toán của ngành CNTT . Sở dĩ ngành này có thể phát triển như vũ bảo là vì nó có đầy đủ nền tảng vững chắc nhất mà ngành này đang cần : chất xám và trí tuệ lập trình . Thử hỏi có một ngành nào khác mà chỉ một hacker tài ba có thể đánh sập một cơ quan an ninh mạng hay không ? Rõ ràng ngành CNTT là một cuộc chơi của chất xám và trí tuệ lập trình , thứ mà hiện tại Việt Nam đang thừa thải , phần ảnh hưởng của máy móc thiết bị trong ngành này là không quá rõ rệt như ngành Cơ khí . Hơn thế nữa , không giống như ngành Cơ khí , trong ngành CNTT gần như không có yếu tố " giấu nghề " , mọi thứ đều được tạo nên từ các đoạn code và những lập trình viên dù ở bất kỳ đâu trên thế giới đều công bằng như nhau vì họ đều sở hữu những ngôn ngữ lập trình giống y như nhau , thành quả nếu có khác nhau thì cũng chỉ là do quá trình tư duy của mỗi người khác nhau mà thôi .

                                                                                                                   Trương Trung Hiếu




Share:

9 tháng 4, 2017

Dung Sai Của Các Phương Pháp Gia Công .

Trong cơ khí , khái niệm dung sai là một khái niệm rất đặc thù , Dung sai tức là một khoảng sai số mà người gia công có thể dung thứ được và nếu sai số lọt vào khoảng này chi tiết đó hoàn toàn hợp lệ . Nếu nằm ngoài vùng dung sai cho phép , chi tiết đó hoặc là đem đi gia công lại hoặc là bỏ đi luôn vì chúng được xem là phế phẩm không thể sửa lại được nữa . Trong thực tế không phải mọi bề mặt của một chi tiết đều cần đến dung sai .

Vậy thì bề mặt nào cần đến dung sai ?
+ bề mặt dùng để lắp ghép .
+ bề mặt dùng để định vị .
Hình ảnh của một cụm chi tiết có dung sai lắp ghép

Có đến 20 cấp chính xác khác nhau theo Tiêu Chuẩn Việt Nam (TCVN) , được đánh số thứ tự có cấp chính xác giảm dần 01,0,1,2,3 ...18 .
Thật ra , trước khi công nghệ chế tạo còn chưa quá phát triển , con người chưa thể chế tạo được chi tiết có cấp chính xác cực cao như cấp chính xác 01 và 0 . Cả 2 cấp chính xác này sau đó đã được thêm vào và được gọi là cấp siêu chính xác .

     Bảng phân loại cấp chính xác :

  • 01 và 0       : cấp siêu chính xác 
  • 1 đến 5       : cấp chính xác cao ( các dụng cụ dùng để đo đạt kích thước )
  • 6 đến 11     : cấp chính xác trung bình ( dùng trong các mối lắp ghép thông dụng )
  • 12 đến 18   : cấp chính xác thấp ( cấp chính xác không dùng cho lắp ghép hoặc bề mặt thô

Chú ý :
  - Cấp chính xác khác so với cấp độ nhẵn bề mặt , chúng ta cần phân biết rạch ròi 2 khái niệm này . Độ nhẵn bề mặt là độ nhấp nhô bề mặt tế vi của chi tiết gia công , nó cũng được đánh số nhưng ngược lại với cấp chính xác : 1-14 và số càng cao thì chi tiết càng bóng . Độ nhẵn bề mặt được biểu thị trên bản vẽ bằng 2 ký hiệu Rz và Ra .

Bảng thống kê cấp chính xác và độ nhẵn bề mặt mà các phương pháp gia công có thể đạt được

Khuôn là sản phẩm cần có cấp chính xác và độ nhẵn bề mặt cao

  • * Tiện 
    - Thô:                        từ 13 - 12,                               Rz = 80 ( cấp 3 )
    - Bán tinh:                 từ 11 - 10                                Rz = 40 -20 (cấp 4 - 5)
    - Tinh:                       từ  9 - 8                                   Ra = 2,5 -1,25 (cấp 6 - 7)


  • *Phay:
    - Thô:                       từ 14 - 11                                Rz = 160 - 40 (cấp 2 - 4)
    - Tinh:                      từ 10 - 8,                                 Rz = 20 đến Ra = 1,25 (cấp 7)


  • *Bào:
    - Thô:                        từ 13 - 12,                               Rz = 80 ( cấp 3 )
    - Bán tinh:                 từ 11 - 10                                Rz = 40 -20 (cấp 4 - 5)
    - Tinh:                       từ  9 - 8                                   Ra = 2,5 -1,25 (cấp 6 - 7)
  • *Chuốt:                     cấp 7,                                      Ra = 1,25 (cấp 7)

  • *Khoan:                    cấp 13 - 12,                             Rz = 80 - 40 (cấp 3 - 4)

  • *Khoét:                     cấp 12 - 10                              Ra = 10 - 2,5

  • *Doa:                        cấp 9 - 7                                 Ra = 1,25 (cấp 7)

  • *Mài
    - Thô:                       cấp 9                                       Ra = 3,2
    - Tinh:                      cấp 7                                       Ra = 1,6 - 0,4
    - Siêu tinh:               cấp 6                                       Ra = 0,2 - 0,1
    - Mài Nghiền:           cấp 6 - 5                                  Ra = 0,2 - 0,1
    - Mài Khôn:              cấp 7 - 6                                  Ra = 0,4 - 0,05




Rõ ràng ta thấy rằng , cấp chính xác của một chi tiết bất kỳ càng cao thì chất lượng lắp ghép của chúng với các chi tiết khác càng cao . Trong một cụm máy móc có đến hàng ngàn mối lắp ghép thì tổng hòa chất lượng của từng mối ghép một sẽ tạo nên một chiếc máy hoạt động chính xác hơn , và bền hơn rất nhiều một chiếc máy được . Nhưng bù lại để chế tạo được một chi tiết có độ chính xác cao thì cần nhiều công sức hơn , thậm chí là nhiều công nghệ hơn , chính điều này đẩy giá thành sản phẩm lên cao hơn . Chất lượng đi cùng giá thành là một bài toán kinh tế mà những nước trên thế giới có những lựa chọn khác nhau . VD Nhật thì chọn chất lượng cao , Trung Quốc thì chọn giá thành rẻ .

Tổng hợp : Trương Trung Hiếu


Share:
Được tạo bởi Blogger.

Labels

Tổng số lượt xem trang