Nơi chia sẻ đam mê CAD-CAM-CNC với góc nhìn cá nhân

13 tháng 4, 2017

Ngành Cơ Khí - Đi Tắt Để Đón Đầu ?



" Đi Tắt Đón Đầu " 
Chúng ta từ lâu đã nghe cụm từ này rất nhiều lần , rất mỹ miều - hoa lệ . Và vấn đề đi tắt đón đầu chưa bao giờ nguội lạnh khi nó mãi là chủ đề mà người ta đem ra bàn luận , mổ xẻ . Người thì nói rằng chúng ta hoàn toàn có thể , người thì nói rằng không . Giới học thuật tin rằng chúng ta có thể đi tắt đón đầu , còn những người tiếp xúc trực tiếp với ngành cơ khí hàng ngày hàng giờ thì tỏ ra thờ ơ với khẩu hiệu này .Thế thì chúng ta nên nghe theo ai ?


Ngành Cơ Khí liệu có thể đi tắt đón đầu ?

Thật sự thì câu nói " đi tắt đón đầu " không phải chỉ là dành riêng cho ngành cơ khí mà nó mang hàm ý chung cho tất cả các ngành nghề . Hãy nhìn qua ngành công nghệ thông tin ( CNTT) , chúng ta sẽ giật mình khi thấy họ đã và đang " đi tắt đón đầu " thật . 20 năm kể từ ngày đầu tiên chúng ta kết nối Internet với thế giới , ngành CNTT có bước tiến vượt bậc , biến Việt Nam thành một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất về CNTT trên thế giới .

Nhưng ngành Cơ Khí của chúng ta , với bề dày phát triển lâu hơn hẳn ngành CNTT  , hiện tại lại không tìm thấy được chổ đứng của mình ngay trên sân nhà , các dự án lớn có vẻ như đều rơi vào tay của các tập đoàn nước ngoài , chúng ta cứ loay hoay mãi với cuộc chiến giành thị phần ngay tại sân nhà và tệ hơn những sản phẩm cơ khí MADE IN VIET NAM không có chút ấn tượng nào trên trường quốc tế , rõ ràng năng lực cạnh tranh của ngành cơ khí của chúng ta quá yếu. Tại sao lại như thế ? Có phải chúng ta sẽ mãi mãi theo đuôi các nước khác , mãi mãi không thể đi tắt đón đầu , cam chịu số phận của một quốc gia gia công hay không ?!?

Tôi sẽ kể 2 câu chuyện mà tôi nghĩ rằng nó phần nào sẽ là lời giải đáp cho vấn đề trên :

Câu chuyện 1 : liên quan đến ngành công nghiệp hỗ trợ .


Mấy năm nay dấy lên những bài báo kiểu như " Việt Nam không thể sản xuất nổi con ốc vít mà Sam Sung yêu cầu " . Đương nhiên điều này là sai , chúng ta hoàn toàn có thể sản xuất ra con ốc vít đúng tiêu chuẩn nhưng bài toán giá thành sản xuất thì chúng ta vẫn chưa giải được . Những bài báo kiểu đó đã kéo một làn sóng dư luận khổng lồ nhắm mũi giáo vào thẳng ngành cơ khí nước nhà . Những trí giả trong nước lại lo lắng ngành cơ khí nước ta sớm muộn cũng nằm trong tay của các tập đoàn nước ngoài nếu chúng ta cứ làm mãi kiếp gia công như thế này , trong thời điểm đó một bài toán khác được một vị CEO của một công ty nào đó đưa ra rằng chúng ta phải làm hơn 160 chiếc giày Nike mới có đủ tiền mua một chiếc càng làm tình hình thêm nặng nề . Áp lực về việc " đi tắt đón đầu " mà các doanh nghiệp VN gặp phải hiện đang căng thẳng hơn bao giờ hết .


Ngành công nghiệp hỗ trợ trong đó có cơ khí vẫn bị đánh giá là " không làm nổi con ốc vít "

Với bản thân tôi thì tôi lại nghĩ : Kiếp gia công thì sao ?

Cũng liên quan đến vấn đề gia công ( làm thuê ) cho nước nước ngoài nhưng trực quan hơn đó chính là câu chuyện giữa Asus và Dell : Thương hiệu Mỹ , gia công tại Trung Quốc .

Khi Asus vẫn còn chìm trong bóng tối , Dell cùng chiếc Laptop của mình đã làm mưa làm gió khắp thế giới . Asus sau đó nhận gia công , cung cấp một số thiết bị rất đơn giản cho Dell như cái tụ điện hay một vài con IC trên bảng mạch ... nói chung là chả ai biết đến Asus ở thời điểm đó và nếu có biết thì Asus cũng chỉ là một công ty nhỏ bé gia công cho gã khổng lồ đến từ Mỹ . Sau đó họ gia tăng số % các thiết bị mà họ có thể cung cấp cho một máy tính của hãng Dell trong những năm kế tiếp , Dell rất sẵn lòng vì họ sẽ cắt giảm được khá nhiều chi phí nếu những linh kiện phụ như tản nhiệt , vỏ máy ... được một nhà thầu Trung Quốc sản xuất ra ( do chi phí nhân công ở TQ thấp hơn rất nhiều so với ở Mỹ ) . Dell chỉ tập trung sản xuất ra những thiết bị chính của một chiếc lap top như thanh Ram , màn hình laptop , board mạch điện tử ...

Asus đã chiếm được lòng tin của Dell khi họ ngày càng làm tốt khâu cung cấp linh kiện của mình cho Dell ròng rã hơn 10 năm trời . Vâng , đúng vậy , họ làm kiếp gia công ròng rã trong cả một thập kỷ mà không hề phàn nàn gì cả , họ làm giàu cho gã khổng lồ đến từ thung lũng Silicon từng phút từng giây với tư thế của một người làm thuê , Dell ăn nên làm ra vì chi phí sản xuất của họ thì ngày càng giảm trong khi thương hiệu Dell trên toàn cầu ngày càng tăng giá . Một ngày kia , người đại diện của Asus đến gặp Dell và đưa ra một yêu cầu nghe rất hấp dẫn : chúng tôi sẽ sản xuất những linh kiện để làm ra một board mạch máy tính của bên anh , các anh sẽ tiết kiệm được khoảng 20% chi phí hiện tại để sản xuất ra một board mạch tại Mỹ , việc duy nhất các anh cần làm là dồn sức cho việc phát triển thương hiệu của mình , sau đó nhận những chiếc máy tính từ Trung Quốc về và đóng chữ Dell vào rồi bán ra thị trường .
Asus đã khởi đầu bằng các linh kiện điện tử rất nhỏ

Điều đó có nghĩa là Dell sẽ tiết giảm được hàng ngàn nhân công ngay lập tức , không chịu bất kỳ một rủi ro trong sản xuất nào , trút bỏ được gánh nặng quản lý các nhà máy của họ tại Mỹ và tiết kiệm được hàng núi tiền chi phí sản xuất - mua sắm công nghệ mới cho các nhà máy đó . Một lời đề nghị quá hời . Dell đã gật đầu ngay lập tức trước đề nghị trên . Thực tế họ không nghĩ rằng Asus có thể tạo ra một thương hiệu mà có thể cạnh tranh sòng phẳng với thương hiệu mà họ đã gầy dựng bấy lâu nay trong tình huống Asus có kế hoạch riêng , nhưng họ đã nhầm . Ngày mà Asus hóa rồng đã sắp đến .

Vài năm sau Asus quay trở lại Mỹ , họ không đến Dell để nói về việc gia tăng con số phần trăm các linh kiện mà họ sản xuất cho Dell nữa , họ đến các nhà phân phối ở đất nước cờ hoa và bảo với những nhà phân phối này rằng họ sẽ cung cấp ra thị trường một sản phẩm có chất lượng tương đương với Dell nhưng giá thành rẻ hơn nhiều mà cụ thể là 20% . Những năm tháng chấp nhận làm " culi " cho gã khổng lồ đến từ Mỹ đã mang về quả ngọt cho một công ty khởi đầu chỉ với vài cái tụ điện và vài con IC đơn giản . Liệu rằng nếu Asus có một chủ trương " đi tắt đón đầu " trong trường hợp này thì liệu họ sẽ có được ngày hôm nay không ?


Câu chuyện thứ 2 : Chúng ta có cần một thương hiệu xe hơi MADE IN VIETNAM ?

Chắc mọi người còn nhớ thương hiệu Vinaxuki , người đứng đầu thương hiệu này là một doanh nhân rất có tâm huyết với cơ khí Việt Nam , ngài chủ tịch Xuân Kiên . Ngài ấy mong muốn rằng mình sẽ đặt nền móng cho một nền công nghiệp xe hơi của nước nhà , mà thực tế là công ty Vinaxuki đã rất thành công trong phân khúc xe tải nhỏ . Nhưng rồi nó cũng không thể vượt qua được sóng gió , quỵ ngã trong sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường xe hơi . Những hình ảnh cuối cùng của chiếc xe hơi Made in VN đã làm tôi nao lòng và suy nghĩ rất nhiều. Có vẽ như ngài ấy đã quá gấp gáp , muốn đi tắt đón đầu trong khi khả năng của mình vẫn còn chưa tới . Ngài ấy đã tạo ra chiếc xe đầu tiên ở VN nhưng không thể nào bán được vì với giá đó người Việt sẽ mua một chiếc xe của hãng xe khác có chất lượng tốt hơn hẳn Vinaxuki .

Mẫu xe con của Vinaxuki nhanh chóng lụi tàn
Nhìn qua Trường Hải , ngài chủ tịch Trường Hải - Trần Bá Dương có một cái nhìn rất khác với tầm nhìn của Vinaxuki . Ngài ấy khẳng định sẽ không làm một chiếc xe ô tô Việt Nam mà chỉ trung thành với kiếp gia công như hiện tại . Nghe có vẻ lạ lùng nhưng chiến lược này lại làm cho Trường Hải ngày càng vững gốc .

Ngài Trần Bá Dương không hề muốn tạo ra một chiếc xe Made in VN  để rồi giá cả chi phí của chiếc xe bị đôn lên trời . Cái ngài ấy theo đuổi là số % mà Trường Hải có thể " Việt Hóa " trong một chiếc xe mang thương hiệu nước ngoài . Một bước đi hết sức phù hợp với tình hình của Việt Nam hiện nay . Theo lời ngài chủ tịch , Trường Hải hiện có thể sản xuất được đến 60% các chi tiết làm ra một chiếc xe mang thương hiệu nước ngoài lắp ráp ở VN , và kế hoạch trong tương lai của ông ta là đẩy con số này lên cao hơn nữa để chào đón năm 2018 đầy thử thách sắp đến .

Năm 2018 thuế nhập khẩu giữa các nước trong cộng đồng Asian sẽ chính thức được đưa dần về 0% trong đó có mặt hàng xe hơi . Việc này gây một áp lực khá lớn lên Trường Hải khi mà hàng loạt các hàng rào hải quan được dở xuống . Nếu không khéo , các thương hiệu xe của nước ngoài đang lắp ráp tại Việt Nam sẽ lũ lượt kéo nhau qua Thái Lan , nơi mà họ hưởng có được một nền công nghiệp phụ trợ đủ lớn để giúp các thương hiệu xe của họ gia tăng lợi nhuận trên từng chiếc xe mà họ sản xuất ra . Vì vậy mục tiêu của Trường Hải là trong thời gian ngắn ngủi này phải Việt hóa càng nhiều chi tiết và phụ tùng cho các hãng xe nước ngoài để giành giật thị phần với người Thái .
Ngài chủ tịch Trường Hải Thaco không muốn
sản xuất xe thương hiệu Việt
Tương Lai của Trường Hải đặt ra rất sáng sủa và thực tế . nó rất khác với tham vọng của Vinaxuki một thời . Giờ hãy tưởng tượng nếu Vinaxuki lại được các ngân hàng bơm tiền để tồn tại và tiếp tục nuôi giấc mơ ô tô Việt Nam thì liệu nó có vượt qua được cơn sóng thần mang tên hội nhập quốc tế sẽ ập đến vào năm 2018 hay không ? chắc chắn là không .

Mình nghĩ rằng mọi người đã có câu trả lời cho việc trong ngành cơ khí của chúng ta liệu có nên đi tắt đón đầu hay tiếp tục làm kiếp gia công và kiên nhẫn chờ thời , Chúng ta sẽ đi tắt đón đầu khi chúng ta có nền tảng vững chắc bên dưới . Một nền tảng mà các nước phương tây đã chuẩn bị từ cả một thế kỷ trước để có được .

Quay lại bài toán của ngành CNTT . Sở dĩ ngành này có thể phát triển như vũ bảo là vì nó có đầy đủ nền tảng vững chắc nhất mà ngành này đang cần : chất xám và trí tuệ lập trình . Thử hỏi có một ngành nào khác mà chỉ một hacker tài ba có thể đánh sập một cơ quan an ninh mạng hay không ? Rõ ràng ngành CNTT là một cuộc chơi của chất xám và trí tuệ lập trình , thứ mà hiện tại Việt Nam đang thừa thải , phần ảnh hưởng của máy móc thiết bị trong ngành này là không quá rõ rệt như ngành Cơ khí . Hơn thế nữa , không giống như ngành Cơ khí , trong ngành CNTT gần như không có yếu tố " giấu nghề " , mọi thứ đều được tạo nên từ các đoạn code và những lập trình viên dù ở bất kỳ đâu trên thế giới đều công bằng như nhau vì họ đều sở hữu những ngôn ngữ lập trình giống y như nhau , thành quả nếu có khác nhau thì cũng chỉ là do quá trình tư duy của mỗi người khác nhau mà thôi .

                                                                                                                   Trương Trung Hiếu




Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.

Labels

Tổng số lượt xem trang