Tuổi trẻ - ảnh minh hoạ |
Sinh viên cũng thế , các phương tiện truyền thông liên tục thông báo rằng chất lượng học tập của sinh viên đang thấp hơn nhu cầu của doanh nghiệp rất nhiều , nhưng nhìn chung bạn sinh viên nào cũng đánh giá mình ....trên trung bình , và hệ quả sinh ra là sự thất vọng tràn trề cho thế hệ sinh viên mới ra trường vì tự nghĩ rằng " mình giỏi mà không có đất dụng võ " . Thế mới khổ cho doanh nghiệp chứ .
Sinh viên mới ra trường , mang theo giấc mơ màu hồng , rằng doanh nghiệp phải lớn mình mới làm , tiền lương phải rủng rỉnh mình mới làm , môi trường phải ... tây mình mới làm và còn nhiều điều kiện khắc khe khác nữa mà họ cho rằng họ xứng đáng , nếu không thì dẹp . Chứ chả thấy ai suy nghĩ theo hướng ngược lại , hướng suy nghĩ xuất phát từ doanh nghiệp bao giờ : anh/ chị có thể đáp ứng những nhu cầu nào , giải quyết được những vấn đề nào của công ty tôi để công ty tôi phải mướn và trả lương như nhu cầu của anh/ chị ? ( câu hỏi này thường xuyên xuất hiện trong các buổi phỏng vấn )
Đồng ý rằng bạn có rất nhiều tiềm năng phát triển nhưng thật khó để trả lương cao cho một người mới chỉ dừng lại ở mức tiềm năng hơn những nhân viên đã cống hiến nhiều cho công ty họ năm này qua năm khác . Điều này có thể gây ra xích mích nội bộ dẫn đến sự ra đi của không ít nhân sự nếu họ cảm thấy rằng họ bị đối xử không công bằng . Bạn có còn muốn cống hiến cho công ty khi biết rằng mình đã đi làm 2-3 năm rồi nhưng lương vẫn thấp hơn so với một cậu sinh viên mới vào nghề chưa có cống hiến gì nổi bật ?
Đứng trên lập trường của các công ty , họ không thể biết rằng họ có thể sở hữu bạn trong bao nhiêu năm , họ sợ rằng họ tốn tiền của và thời gian đào tạo bạn xong rồi thì bạn lại nhảy việc , điều đó thật chẳng khác nào nuôi gà cho hàng xóm bắt ăn thịt cả . Mà hàng xóm đó nhiều khả năng là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của công ty nhà mình nữa .
Sinh viên nên cân đo đong đếm lợi ích từ 2 phía : cá nhân mình và cơ sở mình làm việc . làm sao để cân bằng lợi ích từ 2 phía quả là vấn đề nan giải , công việc này cần có thời gian chứ không phải chuyện có thể một sớm một chiều mà làm được , cân nhắc xong mọi thứ bạn sẽ tự đưa ra những tiêu chuẩn làm việc cho riêng mình , dựa vào những tiêu chuẩn ấy để mà tìm kiếm một cơ sở làm việc phù hợp , thật sự nó là cả một quá trình mà bạn phải tự tìm hiểu bản thân và khảo sát các công ty vô cùng vất vả để có thể lựa chọn được công ty phù hợp .
Ví dụ : Bạn muốn mau chóng phát triển bản thân thì nơi thích hợp cho bạn là những công ty có quy mô tương đối , công việc của bạn có thể sẽ nhiều hơn vì các công ty này thường thiếu nhân lực nên họ sử dụng một nhân lực cho nhiều công việc khác nhau , nếu bạn không ngại khó ngại khổ , hãy đầu quân cho những công ty này . Còn nếu bạn muốn có một công việc ổn định , nhàn nhàn , bạn không thích sự cạnh tranh gây gắt thì công ty nhà nước có lẽ sẽ thích hợp cho bạn hơn cả .
Ấy thế mà sinh viên , họ cứ vô tư một cách hết hồn , họ không thấy được tầm quan trọng của việc đưa ra những tiêu chuẩn làm việc cho cá nhân mình . Họ cứ chạy theo nơi làm việc nào có lương cao , thế là sinh ra tâm lý đứng núi này trông núi nọ kiểu như : Ê mậy , công ty đó lương cao đó , tao định bỏ việc nộp đơn ở đó - mà chẳng hề biết là công ty đó làm về lĩnh vực gì . Người kém tự tin hơn thì : giờ tao chỉ mong nộp đại vào một công ty nào đó , ai nhận tao thì tao làm , tao cũng chả biết làm gì . Kệ , lương ba cọc ba đồng vẫn hơn là thất nghiệp . Ôi bạn của tôi ơi ! bạn có biết là bạn đang đi vào một con đường tăm tối hay không ? vấn đề không nằm ở phía công ty , vấn đề nằm ở phía của chính bạn đấy .
Thật trêu ngươi khi ông trời ban cho chúng ta khả năng học hỏi được mọi thứ ở cái độ tuổi 22-30 nhưng cũng ban nhiều cám dỗ và tính khí dễ bỏ cuộc cho cái tuổi này . Cái độ tuổi mà con người ta đáng lẽ phải còng lưng ra làm việc bất chấp khó khăn vì họ có sức trẻ và dòng máu nóng đang chảy trong huyết quản , họ phải nhảy vào tâm của vòng xoáy công việc để mà ngoi lên với đời từng chút một , thì họ lại bắt chéo chân , tính toán thiệt hơn so sánh từng chút một , thế là họ nhảy việc , như hệ quả tất yếu của việc tính toán thiệt hơn quá nhiều . Đối với một số người nhảy việc dần trở thành công thức giải quyết cho mọi vấn đề với cơ sở họ làm việc . họ mang tâm thế và sự kỳ vọng đến với công ty mới rồi lại chợt nhận ra rằng nơi đây cũng không khác nơi cũ là mấy , chỉ khác là bên đây giỏi quảng cáo để tuyển người dễ hơn thôi . Một lần nữa , nhảy việc lại là công thức giải quyết những thất vọng mới của họ .
Nhìn vào CV thì hoành tráng những công ty cộm cán đã ... qua tay cậu nhân viên này , rồi nhìn vào số năm cống hiến thì ai cũng phải lắc đầu .Một cách rất tự nhiên những những nhà tuyển dụng sẽ đặt câu hỏi : Những công ty cộm cán kia còn không giữ chân được nhân viên này trong 3-4 năm thì làm sao công ty mình có thể giữ chân được cậu ta được lâu dài ? Mình có nên tuyển một nhân viên mà có lẽ kỹ năng nhảy việc của cậu ta còn giỏi hơn cả kỹ năng chuyên ngành hay không ?
Tôi luôn nghĩ rằng , mỗi chúng ta tồn tại trên cõi đời này nhất thiết rằng chúng ta sẽ tạo ra một giá trị nào đó mà xã hội cần . Giá trị đó có thể đổi ra tiền hoặc không đổi ra tiền , nhưng về bản chất giá trị đó bạn sẽ phải trao đến tay người cần nó , đó là sự cho đi .Rồi một người nào đó họ cũng sẽ trao tay đến bạn những giá trị mà bạn cần , đó là sự nhận lại , bạn có thấy cách xã hội vận hành không ? là sự cho đi và sự nhận lại . Thường thì những gì bạn nhận lại sẽ tương xứng với những gì bạn cho đi . Thế nên nếu sau này bạn nhận thấy rằng mình có quá nhiều đòi hỏi , thì hãy xem xét lại bản thân mình xem mình đã đủ cân lượng để đòi hỏi những điều đó chưa . Nếu bạn là một người trẻ tuổi thì hãy làm việc , làm việc và làm việc .
Người thầy hiệu trưởng trường đại học của tôi từng nói : trong những năm tháng tuổi trẻ , người ta thay vì làm thật nhiều thì họ lại suy nghĩ quá nhiều . Steve Jobs cũng từng nói : hãy khao khát hãy dại khờ .
Có thể bạn cho rằng trụ lại ở một công ty là việc làm của kẻ khờ , làm thế thì chỉ thiệt cho bản thân , có thể bạn cho rằng đâm đầu vào làm việc quần quật là kẻ ngốc . Ừ thì khờ , thì ngốc , nhưng có lẻ những con người đó luôn mang một trái tim nóng và bầu nhiệt huyết như dung nham chảy trong huyết quản . Rồi một ngày nào đó , với tất cả trí tuệ của mình , bạn cũng sẽ chẳng giải thích được vì sao những con người mà bạn cho rằng... là khờ là ngốc ấy lại có thể thăng tiến nhanh hơn bạn gấp nhiều lần trong cả công việc lẫn cuộc sống .
Trương Trung Hiếu .
0 nhận xét:
Đăng nhận xét