Nơi chia sẻ đam mê CAD-CAM-CNC với góc nhìn cá nhân

29 tháng 4, 2017

Trí Tuệ Nhật Bản - Không bao giờ sa thải nhân viên .


Tôi từng nói chuyện với một người em học cùng trường , hiện nay đã làm cho một công ty Nhật Bản . Tuy chẳng có gì đặc biệt khi tôi nghe nó kể về cách mà công ty Nhật ấy hoạt động nhưng mà có một thông tin mà tôi rất chú ý : Người Nhật chả đuổi nhân viên bao giờ .

Thoạt nhiên nghe thấy điều này tôi nghĩ nó thật vô lý . Kiểu làm việc như thế có khác nào bao cấp ? nếu một nhân viên không bao giờ sợ mình bị đuổi thì sẽ chẳng bao giờ cố gắng , điều này vô tình làm triệt tiêu nguồn phấn đấu của cá nhân . Nhưng tôi đã lầm . Cực kỳ sai lầm khi tôi đọc qua một cuốn sách về 3 nhân vật xuất chúng của đất nước mặt trời mọc : Honda , Matsushita và Inamori.


Bộ 3 xuất chúng của Nhật Bản
Lần lượt từ trái sang là những người sáng lập nên những công ty vang bóng một thời : Panasonic ( tên ở Nhật là Matsushita ) , Honda và Kyocera . Những cái tên được cả thẩy người dân Nhật kính trọng , những cái tên đi liền với những năm tháng phát triển thần kỳ của xứ sở Hoa Anh Đào .

Chuyện kể về họ và những đóng góp của họ thì vô cùng vô tận , nhưng trong khuôn khổ bài viết này chỉ kể về một trong những đóng góp của họ cho triết lý kinh doanh của Nhật Bản :  không đuổi dù chỉ một nhân viên .

Mọi chuyện khởi đầu từ Matsushita , ông nổi tiếng với những triết lý kinh doanh của mình như triết lý con đập nước ( tức là giống như 1 con đập nước mùa lũ thì xả nước hết cỡ mùa khô thì tích nước, một công ty phải quyết định khi nào sử dụng tiền và luôn luôn phải gối đầu 20% tổng số tiền dự tính - cũng giống như con đập bao giờ cũng phải chừa một ít nước lại trong hồ ) .

Công ty của ông hoạt động trong những năm tháng mà Nhật Hoàng quyết định nước Nhật sẽ tham gia Thế Chiến thứ II . Cũng cùng thời điểm đó làn sóng Cách Mạng Cộng Sản đang nở rộ khắp Châu Á . Nước Nhật đương nhiên cũng nằm trong vùng bị ảnh hưởng , nhiều người Nhật đình công liên tục , số lượng lên đến cả vạn người , công ty của ông cũng đình công và công đoàn là những người tổ chức các cuộc đình công ấy .

Ông khi đó giữ một chức vụ tương đương với trưởng phòng nghiên cứu vật liệu trong công xưởng , chính ông là người đã huy động những người dưới quyền hạn của ông không tham gia đình công . Việc này đã bị công đoàn chú ý và liệt ông vào danh sách những người chống đối . Ông thậm chí còn chả quan tâm , điều duy nhất ông quan tâm là Công ty sẽ lâm vào tình trạng khốn đốn nếu như bộ phận của ông không hoàn thành công việc . Ông cho rằng công ty chả bốc lột gì ông cả vì ông tự nguyện làm việc hơn 10 tiếng mỗi ngày , những người theo ông cũng không cảm thấy bị bốc lột , họ làm việc nhiều vì họ thích thế , công đoàn không thể làm gì khác ngoài việc để yên cho ông ta làm việc . Nhưng họ cũng rất kính nể người đàn ông thép này sau trường hợp đó .

Những năm tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh , Nhật Hoàng ban bố lệnh kiểm soát nguồn nguyên liệu vì đây là thời chiến , việc này tạo nên một cuộc khủng hoảng nguồn nguyên liệu trong vài năm ở Nhật , công ty của ông lâm vào bờ vực sụp đổ vì Nhật Bản hầu như phải nhập khẩu tất cả các nguyên liệu từ bên ngoài nhưng giờ nguồn nguyên liệu đó phải ưu tiên cho quân đội và chính phủ , thêm vào đó do người dân mất việc làm , thất nghiệp tràn lan nên họ hầu như không có tiền để mua sắm , hàng tồn kho của công ty ông ta vì thế cũng sắp chạm nóc . Công ty ông ta đứng trước một bài toán hoặc là sa thải phân nửa số công nhân viên hoặc là công ty sụp đổ . Với vai trò mới hiện nay là một CEO của công ty , Ông đã lựa chọn con đường thứ 3  : không sa thải một nhân viên nào cả .

Theo lý luận của ông việc đào tạo một nhân viên là hết sức tốn kém , nên thật lãng phí khi chúng ta đào tạo hàng vạn nhân viên rồi và giờ lại sa thải họ , thế thì khác nào ném tiền ra ngoài đường , tình hình hiện nay nếu để họ thất nghiệp thì xã hội sẽ có thêm hàng ngàn người không có tiền , điều này sẽ làm cho nền kinh tế rối tung cả lên , làm tổng lượng cầu trong nước suy giảm hơn nữa và công ty lại sẽ tồn kho dài dài . Thay vì cắt số lượng công nhân , ông cắt thời gian làm việc của mỗi người giờ chỉ còn một nửa so với ban đầu . mỗi công nhân viên giờ chỉ đi làm nửa ngày , nhưng như thế cũng vẫn còn quá dư thừa vì công ty hiện đã giảm lượng sản xuất khá nhiều , thế nên ông ta lại điều họ qua làm những công việc lặt vặt như nhổ cỏ , tu sửa nhà xưởng - máy móc , phân những người có kinh nghiệm chuyên môn dạy học cho những công nhân non kinh nghiệm , thậm chí là đào tạo họ đi bán hàng để giải quyết hàng tồn kho ...  nhưng tất cả bọn họ chỉ cần làm nửa ngày công mà thôi .


Matsushiata đã quyết định cùng nhân viên của mình vượt qua sóng gió
chứ không sa thải họ để bảo vệ lợi ích của công ty


Thật đáng kinh ngạc , những công nhân của ông ta tuy được công ty cho làm nửa ngày rồi về nhưng không một ai ra về , đó là sự tự tôn của dân tộc Nhật Bản . Họ làm việc bất chấp ngày đêm để cải thiện tình hình công ty trong cơn khủng hoảng , dù chỉ lãnh phân nửa số lương cho 1 ngày làm việc . Họ biết ơn ngài giám đốc vì đã cưu mang họ trong tình thế mà hễ ra đường là gặp người mất việc , những gia đình khác thậm chí còn không có cái ăn ( vì ở Nhật Bản trong gia đình chỉ có người chồng đi làm ) . Matsushita đã nói với nhân viên của mình rằng : ông sẽ không sa thải bất kỳ 1 ai , cái ăn cái mặc của họ sẽ được công ty đảm bảo , vị trí của họ sẽ không bị mất đi , hãy cùng ông vượt qua cơn khủng hoảng nguyên liệu này .

Vài năm sau thì cơn khủng hoảng cũng đã qua , công ty ông là một trong những công ty hiếm hoi không phải cắt giảm 1 công nhân nào mà vẫn tồn tại được , đã thế sau cơn khủng hoảng thường là thời kỳ kinh tế phát triển mạnh mẽ trở lại , công ty ông có đủ nguồn nhân lực để vươn lên thống lĩnh thị trường . Những người công nhân những năm sau đó được tăng tiền thưởng lên để bù đắp lại những năm tháng mà công ty ông đã cắt giảm lương của họ . Mọi thứ đều tốt đẹp đơn giản vì ông đã áp dụng triết lý : không đuổi nhân viên của mình .

Thế nhưng một tình huống khác đã góp phần làm cho triết lý này của ông ta vang danh khắp Nhật Bản và trở thành một quy luật bất thành văn của các công ty vừa và nhỏ sau này . Sau năm 1945 ,  Nhật Hoàng thua cuộc trong thế chiến thứ II , nước Nhật đổ quỵ trước 2 trái bom nguyên tử của Mỹ , Người Mỹ lập 1 chính phủ thân với họ lên cầm quyền Nhật Bản , Matsushita bị liệt vào danh sách những người ủng hộ quân phiệt vì trong chiến tranh công ty ông ta có sản xuất máy bay chiến đấu cho quân Nhật Hoàng ( nhưng thật ra là công ty của ông ta vẫn chưa chế tạo được chiếc máy bay nào mà chỉ nhận dự án từ Hoàng gia Nhật Bản trong những năm cuối cùng của Thế chiến ).


Nhật Bản thua cuộc sau 2 trái bom nguyên tử của Mỹ 


Ông bị xếp vào hạng mục A - tức là bị buộc phải từ chức ngay lập tức . Nghe thấy thông tin này ông như chết lặng , nhưng lần này chính ông cũng không ngờ rằng mình thoát án một cách vô cùng thần kỳ . Hàng vạn người lao động của công ty đã ký lên một bản đề nghị xem xét lại quyết định buộc vị giám đốc mà họ vô cùng kính trọng phải từ chức . Đảng cầm quyền mới thành lập vô cùng bất ngờ với tình huống này , thậm chí chính công đoàn của công ty cũng đứng ra bảo vệ cho ông ta . Họ đã ghi lại chi tiết những gì ông ta đã làm , những cống hiến của ông , ông ta đã bảo vệ người lao động như thế nào trong chiến tranh và khủng hoảng , những lần ông bị buộc phải phục vụ cho quân đội ... Thế là ông được chuyển về mục B : xem xét từ chức và cuối cùng là nằm ngoài danh sách truy cứu trách nhiệm tội phạm chiến tranh .

Từ sau đó , với tài năng của mình , Matsushita cũng góp phần đưa nước Nhật sánh vai với các cường quốc trên thế giới khi công ty Panasonic ( tên thương hiệu của công ty ông ) tung hoành trên đất Mỹ với những sản phẩm điện tử chất lượng nhất thời bấy giờ , người ta gọi ông là vị thần kinh doanh của Nhật Bản , các triết lý của ông được lật giở lại , được nghiên cứu và  được làm theo . Sau đó , việc các công ty Nhật không bao giờ sa thải nhân viên của họ được áp dụng rộng rãi khắp cả nước theo như triết lý của Matsushita . Thậm chí tư duy này cũng được mang theo ra ngoài biên giới  của Nhật Bản , áp dụng với những nhân viên không phải là người Nhật .

Thật đơn giản và dễ hiểu : Nước Nhật là quốc gia không có tài nguyên thiên nhiên , đối với họ tài nguyên con người là thứ giá trị nhất , nếu họ lãng phí loại tài nguyên này có lẽ họ sẽ không còn là một nước Nhật hùng cường được nữa .

Trương Trung Hiếu     
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.

Labels

Tổng số lượt xem trang